Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Các tuyên truyền hàng thập kỷ của Đảng Cộng sản Trung Quốc nuôi dưỡng thế hệ “Chiến binh Sói” tiếp theo

Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

Bạo lực và lừa dối là hai đặc điểm nổi bật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cả việc cai trị người dân Trung Quốc lẫn vận động trên trường quốc tế nhằm giành ưu thế trước các đối thủ. Những đặc điểm này được bộc lộ rõ ràng hơn trong đại dịch hiện nay.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, gần một nửa tài khoản Twitter truyền tải thông điệp về đại dịch virus corona trên các trang truyền thông xã hội có thể là tài khoản tự động.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã lọc ra hơn 200 triệu tweet thảo luận về virus này từ tháng 1 đến nay, và phát hiện khoảng 45% được gửi bởi các tài khoản hoạt động giống như phần mềm tự động của máy tính hơn là con người.”

Mặc dù họ không thể khẳng định chính xác các cá nhân hay nhóm nào điều hành các tài khoản tự động này, nhưng nội dung các tweet xem ra là nhằm gây chia rẽ ở Hoa Kỳ. Giáo sư Kathleen Carley tại Đại học Carnegie Mellon cho biết:“… Giống như cỗ máy tuyên truyền, và cực khớp với các kịch bản của Nga và Trung Quốc.”

Có vẻ như nội dung tweet ngày 12 tháng 3 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ Triệu Lập Kiên, và hành vi của ĐCSTQ có thể khẳng định giả thuyết này. Trong một tweet không có mấy bằng chứng, Triệu tuyên bố “Có thể Quân đội Hoa Kỳ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”. ĐCSTQ đã huy động hàng chục nghìn “giám sát viên mạng” (người sử dụng truyền thông xã hội được trả tiền để kiểm duyệt thông tin và đăng nội dung ủng hộ ĐCSTQ) để truyền bá ý tưởng này nhằm gieo rắc thù hận trong dân chúng Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Thế hệ “Chiến binh Sói” tiếp theo

Chiến dịch Twitter này chỉ là một trong nhiều ví dụ về chiêu tuyên truyền và tung tin sai lệch của ĐCSTQ ra thế giới. Và trong đại dịch virus corona, cường độ và độ sâu rộng của chiến dịch tuyên truyền, cả trong và ngoài nước của nó, đang được phơi bày đầy đủ.

Trong nhiều thập kỷ qua, ĐCSTQ đã thay thế một cách có hệ thống các giá trị truyền thống bằng tư tưởng đấu đá và tranh giành của chủ nghĩa cộng sản. Lớn lên nhờ sữa sói, nhiều thanh niên mang trong mình sự tôn kính và niềm tự hào cao ngất về sự “lãnh đạo tối cao” của ĐCSTQ trong khi mang lòng hận thù sâu sắc đối với phương Tây.

Sau khi virus corona Vũ Hán phát tán ra ngoài Trung Quốc và ngày càng có nhiều người bị nhiễm bệnh trên khắp thế giới, vô số bài đăng đã xuất hiện trên các trang truyền thông tiếng Trung thể hiện sự thỏa mãn trong tình huống này, như là “Tiếp đi, virus corona!” hoặc “Làm tốt lắm!”. Ngoài ra còn có những tin đồn như “Làm thế nào mà tổng thống Brazil lại bị nhiễm bệnh” và “chiếm vị trí đầu bảng về nhiễm virus trong giới chính trị gia hàng đầu thế giới”, v.v.

Trong khi một số bài đăng là do các chương trình tự động tạo ra như đã nêu trên, nhiều bài khác lại do các chiến binh “thánh chiến” kỹ thuật số trẻ tuổi của Trung Quốc, được gọi là “Tiểu phấn hồng”, những người bảo vệ ĐCSTQ một cách cuồng nhiệt bằng chiêu bêu tên để tấn công bất cứ ai mà họ coi là “chống ĐCSTQ” hay “bài Trung” theo định nghĩa của họ.

Có lúc, một biểu ngữ hình vòng cung lớn treo trên nóc một nhà hàng nổi tiếng, “Cửa hàng cháo bà Dương” ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, với khẩu hiệu “Chúc dịch bệnh ở Nhật Bản kéo dài”. Một bức ảnh của biểu ngữ này đã nhanh chóng được lan truyền với sự cổ vũ của các nhóm truyền thông xã hội ở Trung Quốc.

Khi Thủ tướng Anh đang chống chọi với sinh tử vì bị nhiễm virus corona, đã có hơn 440.000 người đăng bài chọn biểu tượng ngón tay cái để chúc mừng việc này. Thậm chí, một đài truyền hình nhà nước còn chúc mừng Hoa Kỳ vì “đứng đầu” về số ca nhiễm bệnh cao nhất. Tương tự, các chiến binh mạng đã ăn mừng khi Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nhật Bản và các quốc gia khác bị virus hoành hành.

Nhìn lại lịch sử

Việc xem xét lại lịch sử sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ đã phát triển như thế nào để lớn mạnh như ngày nay.

Năm 1966, thời kỳ đầu của Đại Cách mạng Văn hóa , “Nhóm Cách mạng Văn hóa” hàng đầu của ĐCSTQ đã công khai tuyên bố: “Báo chí có thể có tiếng nói lớn hơn tuyên bố của chính phủ; quần chúng có thể có tiếng nói lớn hơn báo chí.” Những chỉ thị như vậy đã xác lập giọng điệu cho các “áp phích khổ chữ lớn” mà Mao Trạch Đông khuyến khích nhằm đấu tố, ngược đãi, và quy chụp cho “bè lũ tư sản phản cách mạng”. Nhiều người dân vô tội đã bị tấn công một cách nhẫn tâm đến mức họ phải tự sát để thoát khỏi đau khổ, trong khi thủ phạm không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào cho hành vi của mình bởi họ hành động vì lợi ích của Đảng.

Hành động vô pháp vô thiên như vậy cũng được mở rộng ra nước ngoài và các đại sứ quán nước ngoài ở Bắc Kinh, được Mao khuyến khích trong một chỉ thị vào tháng 3 năm 1967 rằng Hồng vệ binh “không chỉ là những phần tử cách mạng trong nước mà còn là những phần tử cách mạng quốc tế”. Các đại sứ quán của “các quốc gia không thân thiện” bị tấn công, nhân viên của họ cũng bị quấy nhiễu, đánh đập.

Sốc nhất là cuộc bao vây và đập phá Văn phòng Đại diện của Anh tại Bắc Kinh tối 22 tháng 8 năm 1967. Hàng nghìn dân quân đã đổ xô tới trước văn phòng này và tổ chức một cuộc mít-tinh lớn để “lên án tội ác phản Trung của đế quốc Anh” trước khi đốt cháy nhà và xe hơi. Người phụ trách thương mại Donald Hopson cùng nhân viên đã rút lui đến một khu vực an toàn, nhưng sau đó phải ra ngoài khi tòa nhà bị đốt cháy. Họ bị đánh, đá và làm nhục. Ông Donald Hopson cũng bị bắt phải quỳ trước chân dung của Mao Trạch Đông để nhận “lỗi”.

Sau đó, ông Hopson đã viết về vụ việc bạo lực này: “Đám đông đã chào đón chúng tôi bằng những tiếng la ó hả hê và lập tức tấn công chúng tôi bằng mọi thứ họ có. Chúng tôi bị giật tóc, bị siết cổ bằng cà vạt của chúng tôi, bị đá, bị đánh vào đầu bằng gậy tre dài. Tôi không biết việc đó đã kéo dài bao lâu.”

Hôm sau, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã ủng hộ những kẻ phạm pháp và ca ngợi họ trong bài báo của mình: “Hơn 10.000 Hồng Vệ binh và quần chúng cách mạng ở Bắc Kinh đã tràn vào Văn phòng Đại diện của Anh tối hôm qua, trong một cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc bức hại điên cuồng kiểu phát-xít của bọn đế quốc Anh đối với người Trung Quốc yêu nước ở Hồng Kông. Một cuộc mit-tinh nhằm lên án tội ác bài Trung của đế quốc Anh đã được tổ chức trước văn phòng này. Những người biểu tình giận dữ đã có những hành động mạnh mẽ chống lại văn phòng đại diện của Anh.”

50 năm đã trôi qua. Mặc dù lâu nay phương Tây luôn hy vọng Trung Quốc cải tổ thành một xã hội dân chủ và cởi mở hơn cùng với sự phát triển kinh tế, nhưng ý tưởng này gần như chỉ còn là mộng tưởng.

Ngày đăng: 6-07-2020