Một quyển sách
đã truyền cảm hứng cho hơn 350 triệu người
thoái xuất khỏi Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Chương 7: Văn hóa đảng trong cuộc sống (phần thượng)(audio)

Ảnh: Epoch Times

Mục lục:

1. Gọi Hoàng Lịch của Trung Quốc thành lịch nông nghiệp hoặc âm lịch, gọi tân niên thành tiết xuân

1) Gọi Hoàng Lịch Trung Quốc thành lịch nông nghiệp hoặc âm lịch

2) Gọi tân niên thành tiết xuân

2. Phá bỏ tiết mục truyền thống, ăn tết đảng do đảng sắp đặt

3. Người trẻ kết hôn, việc mới làm theo cách mới, không bái trời đất, không bái Thần, mà hát bài ca cảm ơn đảng

1) Hôn lễ trong văn hóa truyền thống

2) Trung Cộng làm lệch lạc hôn nhân

========

Bất kỳ một nền văn minh vĩ đại nào cũng đều phải trải qua một quá trình diễn biến và tích lũy dài lâu. Trong 5.000 năm văn hóa Trung Hoa, các thế hệ đế vương suốt từ đời này đến đời khác qua đi, hết triều đại này tới triều đại khác lại kết thúc, nhưng những giá trị cốt lõi như kính Thiên, tín Thần, yêu dân, yêu vật lại không hề mất đi.

Dưới sự dẫn dắt của những giá trị này, xã hội Trung Quốc truyền thống tồn tại những bộ phận xã hội khác nhau nhằm thỏa mãn các lớp nhu cầu khác nhau của con người — nhu cầu sinh tồn, nhu cầu tình cảm, nhu cầu an toàn, nhu cầu tinh thần,v.v.. Sự tồn tại của chính trị là nhằm phục vụ xã hội, sự tồn tại của xã hội là để phục vụ con người, chứ không phải ngược lại. Những nội dung cơ bản của xã hội như tín ngưỡng tôn giáo, lý luận đạo đức, phong tục tập quán có tác dụng ước chế và dẫn dắt đối với chính trị. Khi chính quyền đi chệch hướng với quỹ đạo của chính nghĩa, con người có thể dựa vào chuẩn tắc được xã hội công nhận để đặt ra quy phạm cho chính quyền, chỉnh lý chính quyền, thậm chí lật đổ chính quyền (thay trời hành đạo), xây dựng lại chính quyền. Khổng Tử từng nói: “Lễ thất nhi cầu chư dã”, nghĩa là nếu triều đình mất đi lễ nghĩa, thì phải tìm lại lễ nghĩa từ trong dân gian. Tầm quan trọng của một xã hội lành mạnh, giàu sức sống thậm chí còn cao hơn cả chính quyền rất nhiều.

Nội hàm tinh thần uyên thâm của văn hóa Trung Quốc truyền thống đã quyết định xã hội Trung Quốc truyền thống trên tổng thể là một xã hội lành mạnh và giàu sức sống. Xã hội lành mạnh có nghĩa là tâm trí của người dân lành mạnh hoàn thiện, mà người dân với tâm trí lành mạnh hoàn thiện sẽ không thể để mặc cho Đảng Cộng sản lừa gạt và đe dọa. Do đó, Đảng Cộng sản phải nhổ tận gốc nhân tố truyền thống trong đời sống xã hội, thay thế nó bằng Văn hóa đảng.

Dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản, xã hội bị chính trị hóa cao độ, chính trị bị nhất nguyên hóa cao độ. Đảng Cộng sản tuyên bố rằng “bất phá bất lập” (không phá bỏ thì không lập cái mới được), “đại phá đại lập”, muốn “thay đổi phong tục”, “phá cựu lập tân”. Trong một thời đại giết chóc, những gì bị phá trừ là nền văn minh cổ 5.000 năm của Trung Hoa, cái kiến lập nên là cái gen tà ác Văn hóa đảng của Trung Cộng.

Ảnh: Epoch Times

Có thể có người cho rằng mình không bị Văn hóa đảng ô nhiễm, ví như rất ít xem thời sự trên báo và tivi, hoặc căn bản là không tham gia học tập chính trị. Nhưng điều mà Trung Cộng thực hành là “Đảng lãnh đạo tất cả”, chứ không phải là “Đảng lãnh đạo tất cả trừ cuộc sống cá nhân bạn”. Văn hóa đảng thẩm thấu vào cuộc sống của người dân Trung Quốc không chừa một khe hở nào. Có thể nói rằng, chỉ cần sống tại Trung Quốc Đại lục từ sau năm 1949 thì không thể không bị Văn hóa đảng đầu độc.

Văn hóa đảng phá hoại sâu sắc và triệt để xã hội Trung Quốc. Ngày nghỉ lễ và lịch pháp, cưới xin, ma chay, ăn mặc đi lại, thậm chí gia đình và sinh nở, đều bị Trung Cộng nhào nặn theo ý muốn của nó. Dưới đây chúng ta sẽ lấy một vài ví dụ đơn giản để bắt đầu thảo luận về Văn hóa đảng trong cuộc sống.

1. Gọi Hoàng Lịch của Trung Quốc thành lịch nông nghiệp hoặc âm lịch, gọi năm mới Trung Quốc thành tiết xuân

Người Trung Quốc hiện giờ gọi lịch pháp truyền thống thành nông lịch hoặc âm lịch, gọi ngày “Mùng 1 tháng Giêng” thành “tiết xuân”; “nông lịch”, “tiết xuân” v.v. được dùng ở đây có hàm nghĩa văn hóa đảng rất rõ ràng. Sự biến đổi của một danh từ xem như không có gì trọng yếu, nhưng sự truyền thừa của mấy nghìn năm lịch sử lại có thể vì điều này mà bị chặt đứt.

1) Gọi Hoàng Lịch Trung Quốc thành lịch nông nghiệp hoặc âm lịch

Người Trung Quốc vô cùng coi trọng lịch sử, lịch sử Trung Quốc được ghi chép lại với độ tường tận và chuẩn xác vượt xa lịch sử Châu Âu và Châu Phi vốn có độ dài tương tự. Đây đương nhiên là do người Trung Quốc có tinh thần sứ mệnh ghi lại lịch sử, nhưng quan trọng hơn là người Trung Quốc có được một công cụ đặc biệt hữu hiệu cho việc biên tập lịch sử – phương thức ghi năm.

Nói một cách đơn giản, “lịch sử” chính là việc ghi lại vào “năm nào” đã xảy ra “việc gì”. Nếu không giải quyết được vấn đề ghi năm thì sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc chép sử. Cũng chính vì vậy niên đại lịch sử Châu Âu trước khi thống nhất lịch pháp (thế kỷ 17- 18) thường là mơ hồ, thậm chí hỗn loạn.

Lịch pháp truyền thống của Trung Quốc dùng Can Chi để ghi năm. Cái gọi là “Can Chi” là tên gọi tắt của “Thiên can” và “Địa chi”. Trong đó “Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý” là mười Thiên Can, “Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi” là mười hai Địa Chi. Ghi năm theo trình tự Can Chi lấy ra mỗi thứ một chữ, bắt đầu bằng chữ Giáp, 60 năm tuần hoàn một lần, lặp đi lặp lại cho tới vô cùng. Phương thức ghi năm bằng Can Chi này giúp lịch sử Trung Quốc giải quyết được vấn đề xác định niên đại, mấy nghìn năm sau người Trung Quốc vẫn có thể dễ dàng đối chiếu năm trong sử sách Trung Quốc với năm theo lịch phương Tây.

Mặt khác, người Trung Quốc cũng dùng Can Chi ghi tháng, ngày và giờ. Nói cách khác, do Can Chi bao hàm Thiên Can, Địa Chi mỗi loại một chữ, mỗi một thời khắc đều được đánh dấu bằng Can Chi của năm, tháng, ngày, giờ, do đó tổng cộng có tám chữ. Ví dụ, 6 giờ sáng ngày 06 tháng 06 năm 2006, cũng thuộc về “giờ Tân Mão, ngày Bính Dần, tháng Giáp Ngọ, năm Bính Tuất”, khi đó “Sinh thần bát tự” (giờ-ngày-tháng-năm sinh) của một người được gọi là “Bính Tuất, Giáp Ngọ, Bính Dần, Tân Mão”.

Lịch pháp sớm nhất của Trung Quốc là do Hoàng đế Hiên Viên ban bố. Hoàng đế Hiên Viên được tôn xưng là “Nhân văn sơ tổ” (Ông tổ nhân văn), do đó một phần có thể thấy được người Trung Quốc rất coi trọng lịch pháp. “Ngũ Đế bản kỷ” trong “Sử ký” có ghi lại Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu và Thuấn đều đã tiến hành chỉnh sửa lịch pháp, trong thời đại Đế Thuấn, con người phân chia số ngày, tiết khí trong một năm cũng đã tương đối chính xác.

Ảnh: Epoch Times

Do Hoàng đế Hiên Viên là người sáng lập ra văn hóa Đạo gia, bởi vậy người Trung Quốc từ thuở văn minh sơ khai đã rất coi trọng học thuyết âm dương của Đạo gia. Lịch pháp cũng biểu đạt khái niệm cân bằng âm dương, lịch pháp truyền thống của Trung Quốc là lịch kết hợp giữa âm và dương, chứ không đơn thuần là âm lịch, cũng không đơn thuần là dương lịch.

Công lịch mà mọi người thường dùng ngày nay chính là một loại thái dương lịch (gọi tắt là lịch dương), nó lấy chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời làm cơ sở, do đó cách phân chia tháng đó không có liên quan gì tới trăng tròn trăng khuyết, chỉ là một tên gọi mà thôi (tên gọi của tháng trong tiếng Trung gọi là “Nguyệt”, chữ Nguyệt nghĩa là mặt trăng); lịch Hồi giáo là một loại lịch âm điển hình, cơ sở tính tháng của nó hoàn toàn dùng chu kỳ tròn khuyết của mặt trăng, mỗi năm 12 tháng, khoảng 354 ngày, cho nên cứ 33 năm lại sai khác một năm so với công lịch.

Cổ nhân Trung Quốc chú trọng âm dương hòa hợp đã lập ra lịch pháp truyền thống, đồng thời quan tâm tới cả chu kỳ mặt trăng tròn khuyết và chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời.

Độ dài bình quân của tháng trong lịch đó gần giống với tháng Sóc vọng [1] , việc xác định “ngày sóc” (tức là mặt trăng nằm giữa mặt trời và trái đất, mặt trăng sẽ hướng phía không được mặt trời chiếu sáng về phía trái đất, ngày hôm đó đứng trên trái đất không nhìn thấy mặt trăng), là ngày mùng 1 của mỗi tháng, cho nên giữa tháng là “ngày vọng” (ngày rằm – ngày trăng tròn); thông qua việc đặt ra tháng nhuận, khiến độ dài bình quân của lịch năm tiếp cận với năm hồi quy là một loại lịch kết hợp âm dương “tháng âm năm dương”. Nó vừa có thể khiến mỗi một năm về cơ bản đều phù hợp với thay đổi của các mùa, lại có thể khiến ngày của mỗi tháng đối ứng với mặt trăng. Hơn nữa ngay từ thời Thuấn Đế đã miêu tả chính xác và đã phân chia rõ ràng 24 tiết khí biến đổi theo mùa, tiết khí trong lịch pháp truyền thống quyết định bởi chu kỳ thay đổi của vị trí trái đất xoay quanh mặt trời, thuộc về phạm trù thái dương lịch.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi trọng “Thiên nhân hợp nhất”, Đạo gia cho rằng con người chính là một tiểu vũ trụ, bởi vậy rất coi trọng việc quan sát thiên tượng. Thời đầu nhà Hán khi Tư Mã Thiên viết “Sử Ký”, ông đã viết riêng một chương “Thiên quan thư”, trình bày hết sức tỉ mỉ vị trí, quy luật chuyển vận của tinh cầu và sự ảnh hưởng của nó đến sự việc tại nhân gian.

Do Thiên Can Địa Chi đối ứng với ngũ hành, hơn nữa còn đối ứng với phương vị, màu sắc, các mùa các tiết, ngũ tạng, kết cấu xã hội, v.v. do đó nó đã trở thành căn cứ chủ yếu của dự đoán học Chu Dịch. Khi lấy Can Chi để ghi tháng (nguyệt), “tháng” ở đây cũng là tháng trong lịch pháp truyền thống dựa trên cơ sở hình dạng trăng tròn khuyết, tức là Chu Dịch dự đoán cũng phải căn cứ vào lịch pháp truyền thống.

Sau khi lịch sử hoàng triều được kiến lập, Hoàng đế lên ngôi, hoặc phát sinh đại sự, thiên tai,… đều sửa niên hiệu, do đó trong lịch pháp lại thêm vào niên hiệu. Ví như chúng ta đã quen thuộc với “Trinh Quán”, “Vĩnh Lạc”, “Khang Hy”, v.v. đều là niên hiệu. Bởi vì Lịch Thư truyền thống của hoàng triều đều do các Hoàng đế ban bố, có liên hệ trực tiếp đến niên hiệu của Hoàng đế, đồng thời do chính quyền khắc ấn, do đó lịch pháp truyền thống được gọi là “hoàng lịch” (皇曆- chữ Hoàng trong chữ Ngọc Hoàng, hoàng triều). Cũng bởi vì lịch pháp sớm nhất khởi nguồn từ Hoàng Đế, do đó cũng gọi là “Hoàng lịch” (黄曆 – chữ Hoàng là màu vàng, Hoàng Đế ở đây là để chỉ 1 trong Ngũ Đế)

Hoàng lịch lấy Can Chi để ghi năm, bao gồm bảng biểu ngày tháng của 24 tiết khí, cát, hung, hợp, kỵ của mỗi ngày, liên quan tới những phương diện như hôn nhân gia đình, nghi thức nghi lễ, xây dựng, vận chuyển, cuộc sống thường ngày, tế tự an táng, v.v..

Lịch pháp Trung Quốc thể hiện đầy đủ tư tưởng Âm Dương Ngũ Hành, ẩn chứa quy luật diễn hóa tuần hoàn của tự nhiên, tức là kết quả tác dụng của tương tác giữa thời (thời gian) và không (phương vị), và giữa “âm” và “dương”, đồng thời phản ánh sự lý giải của cổ nhân Trung Quốc về quy luật của vũ trụ về tương sinh tương khắc, họa phúc hoán chuyển, thay triều đổi đại, tuần hoàn tới lui, điều phản ánh phía sau là văn hóa Đạo gia và giá trị quan của xã hội Trung Quốc truyền thống kính sợ Thiên Địa Thần minh, cân nhắc tới thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Ảnh: Epoch Times

Lịch pháp Trung Quốc hợp nhất từ nội hàm cân bằng âm dương, thiên nhân hợp nhất, dự đoán học đã trở thành đối tượng tiêu diệt của Trung Cộng.

Sau khi thành lập chính quyền, Trung Cộng bắt đầu cho rằng “Hoàng lịch” đại diện cho trật tự thống trị của xã hội truyền thống, đồng thời trong đó có rất nhiều nội dung liên quan đến dự đoán học, phong thủy, v.v. cho nên đã hủy bỏ “Hoàng lịch” (chữ Hoàng trong Hoàng triều). Gọi là “Hoàng lịch” (lịch màu vàng) hoặc “Hạ lịch” sẽ khiến người ta hồi tưởng lại lịch sử (hồi tưởng lại Hoàng đế trong ngũ đế, dân tộc Hoa Hạ), thế là gọi lịch pháp truyền thống là “âm lịch”. Có thể nói cách gọi “âm lịch” là sai, lịch pháp Trung Quốc là “âm dương hợp lịch”, khi gọi “âm lịch” đã phá vỡ đi quan niệm âm dương cân bằng trong văn hóa truyền thống. Thế nhưng, Trung Cộng cho rằng “âm” vẫn là cách nói của Đạo gia, vẫn là mang theo nội hàm tu luyện, vì thế vào năm 1968, Trung Cộng mượn cớ phá bỏ “Tứ Cựu” đã gọi lịch pháp truyền thống thành “Nông lịch”.

Trung Cộng gọi Hoàng lịch truyền thống thành Nông lịch, khiến người ta sinh ra một loại ảo giác, dường như tác dụng của lịch pháp truyền thống chỉ giới hạn trong nông nghiệp, cần thiết cho việc tính toán thời vụ. Điều này cũng nhất quán với nguyên tắc Chủ nghĩa duy vật của Trung Cộng: Cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng, tác dụng của lịch pháp sinh ra trong xã hội nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc nhà nông, chỉ hữu dụng với nông dân, không có quan hệ gì nhiều đối với xã hội hiện đại và những người khác. Lịch pháp truyền thống do đó mà bị gạt sang một bên. Trên thực tế như đã nói ở trên, tác dụng của Hoàng lịch truyền thống tuyệt nhiên không chỉ giới hạn trong nông nghiệp, nó có mối quan hệ trực tiếp với cuộc sống của nhân dân, là trực tiếp phản ánh mối quan hệ giữa “Thiên Địa Nhân”, lấy Thiên Can Địa Chi làm cơ sở, căn cứ theo ngũ hành sinh khắc mà xác định cát, hung, hợp, kỵ trong mỗi ngày, cho đến các loại các hoạt động tế tự, ngày tết trong năm vốn dựa vào hạch tâm là kính thiên tín thần. Những nội dung văn hóa có mối liên quan mật thiết với cuộc sống thường nhật, khiến người Trung Quốc luôn luôn nhớ về văn hóa truyền thống của mình. Trung Cộng gọi nó với cái tên đơn giản là Nông lịch, trên thực tế nó đã dùng việc này hạ thấp giá trị và rút sạch nội hàm văn hóa rộng lớn tinh thâm ẩn chứa trong Hoàng lịch truyền thống, cắt đứt sự truyền thừa của văn hóa truyền thống. Thanh niên trẻ ngày nay nói đến Nông lịch, chỉ biết nó có liên quan đến vài ngày lễ truyền thống thưa thớt còn sót lại và liên quan tới việc nhà nông, chứ không biết trong đó ẩn chứa nội hàm văn hóa truyền thống sâu sắc. Ngoài ra trong Văn hóa đảng Trung Cộng, thông thường nông dân thường được liên hệ với “giác ngộ chính trị” không cao, và “phong kiến, ngu muội, lạc hậu”, Trung Cộng gọi Hoàng lịch thành Nông lịch là sự xúc phạm đối với lịch pháp truyền thống.

2) Gọi tân niên thành tiết xuân

Tết năm mới là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong xã hội người Hoa. Trong “Thuyết văn giải tự” ý nghĩa của từ “năm” là “ngũ cốc đại thục” (ngũ cốc chín). Cổ nhân sau khi được mùa phải cảm tạ Thần linh bảo hộ, do đó sẽ tiến hành nghi thức quan trọng là tế tự và cảm tạ Thần linh, đồng thời cầu xin năm sau mưa thuận gió hòa.

Năm mới truyền thống là bắt đầu từ mùng tám tháng Chạp, kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng. “Ngày mùng tám tháng Chạp” là ngày Phật tổ Thích Ca Mâu Ni khai ngộ thành Phật, dân gian và chùa chiền vào ngày này đều ăn cháo mùng tám tháng Chạp, cầu nguyện cho năm mới ngũ cốc dồi dào, lục súc hưng vượng.

Tiếp theo là “ngày tết ông Táo” 23 tháng Chạp , ngày này là ngày Táo Quân lên trời. Nhân gian cho rằng Táo Quân giám sát nhất cử nhất động một gia đình trong một năm, đến ngày 23 tháng Chạp phải lên thiên đình để báo cáo. Đến Giao thừa mới dán ảnh Táo Quân mới lên. Hoạt động này là một kiểu biểu đạt “trên đầu ba tấc có Thần linh” của người Trung Quốc. Tin tưởng vào sự coi sóc và bảo hộ của Táo Quân, mọi người tự nhiên sẽ kiềm chế hành vi của bản thân mình.

Ảnh: Epoch Times

Ngày 30 tháng Chạp cũng gọi là “đêm giao thừa”, là cao trào chúc mừng tân niên, đây là ngày “Tế Thần tế tổ”. Trong đó bày bàn lễ Thiên Địa, dán tranh Thần lên cánh cửa, đón Thần Phúc, Thần Tài, Thần Quý, Thần Hỷ, Thần Thái Tuế, thỉnh tượng Táo Quân, câu đối tết, đốt pháo dây, v.v. đều liên quan đến truyền thống kính Thần của người Trung Quốc. Bàn lễ Thiên Địa là bàn thờ tạm thời để cung phụng và nghênh đón Thần Phật. Câu đối xuân vốn là tấm bùa bằng gỗ đào, vì trong truyền thuyết quỷ sợ gỗ cây đào, đến thời Ngũ Đại, Thục chủ Mạnh Húc đã viết lên bùa đào câu “Tân niên nạp dư khánh, Gia tiết hiệu trường xuân” (Năm mới hưởng ân trạch đời trước, Tiết lành báo hiệu trường xuân) đã chính thức trở thành sự khởi nguồn của câu đối xuân.

Cúng tế tổ tiên cũng là một phần quan trọng trong năm mới, đa số là bài vị tổ tiên trong nhà được đặt theo thứ tự tại sảnh chính, đồ lễ cúng được bày ra, sau đó người tế bái theo thứ tự từ già đến trẻ dâng hương quỳ lạy. Trong “Luận Ngữ” viết “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ.” (Lo hậu sự cho phụ mẫu một cách chu đáo, thành kính tưởng niệm tổ tiên sẽ khiến đạo đức, phong tục của nhân dân quy về đạo dày thuần phác), bởi vì cúng tế tổ tiên không chỉ là thể hiện đạo hiếu, mà còn là sự kế thừa truyền thống đạo đức của người xưa.

Ngày 27 tháng 09 năm 1949, Trung Cộng bàn bạc việc sắp xếp xây dựng chính sách sau khi cướp được chính quyền, đổi ngày “mùng một tháng Giêng” thành “tiết xuân”, dường như chỉ là ngày lễ thông thường để chào mừng “mùa xuân”. Đây là cách gọi tưởng đúng nhưng mà lại là sai, cũng là sự cần thiết để Trung Cộng phê phán, thay thế Văn hóa Truyền thống, tuyên truyền Thuyết vô Thần. Sự thay đổi này khiến nội hàm văn hóa cảm tạ Thần linh bảo hộ, tôn kính Thần minh và tiên tổ trong lễ đón năm mới truyền thống bị gỡ bỏ.

Lúc này, lời chúc cát tường trong năm mới biến thành những lời nói chính trị “Chúc bạn năm nay có thể đến Bắc Kinh, gặp được Mao chủ tịch”, “Tinh thần cách mạng truyền đời đời” v.v., câu đối tết biến thành “Đổi đời không quên Cộng sản Đảng, hạnh phúc không quên Mao chủ tịch”, “Kính thần tế tổ” biến thành “Ức khổ tư điềm” (Hoài niệm nỗi đắng cay vị ngọt bùi), tổ chức xem điện ảnh chính trị, tổ chức liên hoan mang “ý nghĩa giáo dục”, tiến hành “chúc tết đoàn thể”, hát “Nhân dân công xã nhiều làn gió mới, các bà các cô đều ca hát, tiết xuân không làm chuyện mê tín, mọi người lên sân khấu diễn văn nghệ”. Tranh dán tết từ kính Thần cầu phúc biến thành “Đại nhảy vọt”, “Công xã nhân dân là tốt”, “Tiết xuân học lão tam thiên” (Tiết xuân học ba bài văn của Mao Trạch Đông), “toàn gia học công báo”. “Nhân dân Nhật báo” đã miêu tả cảnh nhân dân đón năm mới như sau: “Có người dự tính nhân lúc gia đình đoàn viên mà mở lớp học tư tưởng Mao Trạch Đông.” Có người chuẩn bị đêm 30 ăn “Ức khổ phạn” (Cơm hồi ức lại sự vất vả), “Bữa cơm tất niên” này là bữa cơm giáo dục giai cấp, chúng ta nhất định phải nuốt vào trong bụng, ghi nhớ vào tâm khảm, vĩnh viễn không quên nỗi khổ giai cấp, vĩnh viễn cùng Đảng làm cách mạng! Còn có người lên kế hoạch mở cuộc họp phê phán trong gia đình, hoặc chuẩn bị đi thăm họ hàng, bè bạn, cùng nhau giao lưu về những “thu hoạch tư tưởng”, bàn luận về “hình thế lớn tốt đẹp của đại Cách mạng Văn hóa”, một ngày lễ tết truyền thống chính tông của Trung Quốc lại trở thành những buổi học chính trị tẩy não nhân dân, nhồi nhét Văn hóa đảng.

Sau khi cuộc cách mạng văn hóa kết thúc, phương thức chúc mừng truyền thống cũng được khôi phục, nhưng sau 30 năm phá hoại, thế hệ mới đã không thể nào lấy lại được truyền thống. “Đêm hội liên hoan mừng xuân mới” gần 20 năm nay đã bị Trung Cộng cổ súy thành “phong tục dân gian mới” của nhân dân Trung Quốc, nhưng toàn bộ đêm hội đều là hát “giai điệu chính”, chủ đề có liên quan tới hình thái ý thức xuyên suốt từ đầu tới cuối, hơn nữa phong cách càng ngày càng thiên về hướng thô tục, thấp hèn. Sự theo đuổi về tinh thần và hoài cảm nhân sinh vào dịp năm mới có ảnh hưởng suốt hàng trăm hàng nghìn năm qua đã bị Trung Cộng phá hoại, vắt kiệt.

  1. Phá bỏ tiết mục truyền thống, ăn tết đảng do đảng sắp đặt

Trong các ngày lễ truyền thống, ngoài năm mới bị Trung Cộng gọi là “Tiết xuân” ra, còn có rất nhiều những ngày lễ khác bị Trung Cộng hủy bỏ, thay thế nó chính là lễ đảng, dùng Văn hóa đảng thay thế ảnh hưởng của Văn hóa truyền thống đối với cuộc sống của con người.

Ngày lễ truyền thống của Trung Quốc đều có quan hệ mật thiết với tu luyện và Thần Phật. Những ngày lễ tết truyền thống khá quan trọng của Trung Quốc ngoài năm mới ra còn có Tết Nguyên Tiêu, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Lễ Vu Lan Bồn, Tết Trung Thu, Tết Dương Lịch, Đông Chí, ngoài ra còn có Lễ tắm Phật, Lễ tình nhân Thất Tịch…

Ảnh: Epoch Times

Tết Nguyên Tiêu là vào “ngày 15 tháng Giêng”, vốn có từ “Tiết Thượng Nguyên” trong Đạo giáo, theo truyền thuyết là ngày giáng sinh của Thiên Quan Đại Đế. Hán Minh Đế – Lưu Trang vì sùng tín Phật Pháp nên đã hạ lệnh cho đền chùa và nhân dân thắp đèn vào ngày này, tượng trưng cho sự quang minh của Phật Pháp. Do đó, Tết Nguyên Tiêu cũng trở thành Tết đèn lồng.

Tết Thanh Minh là lúc tảo mộ cúng bái tổ tiên; Tết Đoan Ngọ vừa bắt nguồn từ việc tế tự Khuất Nguyên, vừa bắt nguồn từ việc sùng bái Long Thần. Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời nhà Chu, vào mỗi dịp Trung thu hàng năm Chu Thiên Vương phải tế nguyệt, sau đó dần dần lưu lại tập tục ngắm trăng. Tết Trùng Dương vào ngày mùng 9 tháng 9, theo chiêm tinh học của Trung Quốc, “cửu” tượng trưng cho cao nhất (Đạo gia nói chín tầng trời), rộng nhất (cửu châu phương viên), sâu nhất (dưới 9 tầng đất), trường cửu…, lúc đó mọi người ngắm hoa cúc, đeo nhành thù du, uống rượu hoa cúc. Đông Chí lại là ngày đăng đàn tế Trời.

Lễ tắm Phật vào mùng 8 tháng 4, còn gọi là lễ Phật đản, Hội Long Hoa là ngày Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Vào ngày này, các thiện nam tín nữ tới chùa dâng hương, tham gia hội ăn chay, tổ chức các hoạt động bố thí, phóng sinh v.v. Thất Tịch là ngày mùng 7 tháng 7, bắt nguồn từ truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ. Lễ Vu Lan vào ngày 15 tháng 7, là ngày xá tội vong nhân, bắt nguồn từ điển tích Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Phật Thích Ca Mâu Ni, thiết đãi cơm chay cho chúng tăng, để mẹ ông thoát khỏi đường ngạ quỷ.

Điểm qua những ngày lễ tết của Trung Quốc, có thể thấy không ngày lễ tết nào không liên quan tới tế tự, Thần thoại hay Phật giáo, Đạo giáo. Nếu những ngày tết này có thể lưu giữ và chúc mừng theo truyền thống thì phần có liên quan tới Thần trong Văn hóa truyền thống Trung Quốc sẽ được lưu truyền đời đời, đây là điều mà Đảng Cộng sản không thể chịu được. Nhằm cắt đứt sự truyền thừa và liên hệ giữa người Trung Quốc và đạo đức Văn hóa truyền thống cùng giá trị Văn hóa truyền thống Trung Hoa, khiến người Trung Quốc không còn có được Văn hóa truyền thống bảo hộ và nuôi dưỡng, hoàn toàn bị phơi nhiễm và thấm đẫm Văn hóa đảng, tẩy não nhân dân bằng tập tục thường ngày, Trung Cộng ngoài việc lưu giữ ngày lễ “mùng 1 tháng Giêng” nhưng đổi thành ngày “tiết xuân” ra, những ngày lễ tết truyền thống khác không có ngày nào được pháp luật của Trung Cộng quy định là ngày nghỉ. Các ngày lễ truyền thống của dân tộc bị Trung Cộng đè nén tới mức mất đi không gian tồn tại, buộc phải rời khỏi vũ đài lịch sử một cách nuối tiếc.

Đồng thời, Trung Cộng còn chế định ra các “ngày lễ” khác, phục vụ cho việc thống trị của nó. “Những ngày lễ đảng” này bao gồm “Ngày phụ nữ mùng 8 tháng 3”, “Ngày lao động mùng 1 tháng 5”, “Ngày thanh niên mùng 4 tháng 5”, “Ngày thiếu nhi mùng 1 tháng 6”, “sinh nhật Đảng”, “Ngày lễ thành lập quân đội mùng 1 tháng 8”, “Ngày Quốc khánh mùng 1 tháng 10”, v.v..

Vào mỗi ngày lễ, thông thường việc hồi tưởng lại khởi nguồn của ngày lễ đó sẽ là chủ đề nóng trong ngày, tuy nhiên với những ngày lễ mà Trung Cộng chỉ định, không ngày nào không liên quan tới “đấu tranh giai cấp” hoặc “cách mạng”, hoặc là kỷ niệm các mốc thời gian của bản thân nó, cách làm chính trị hóa ngày lễ này, mục đích chính là khiến con người thuần phục hình thái ý thức của nó và chúc mừng sự thành lập cũng như phát triển của Trung Cộng. Không chỉ có vậy, trong ngày lễ của đảng không chỉ nghỉ phép nghỉ ngơi, mỗi khi tới ngày lễ đảng, nó liền tổ chức “thi đấu ca hát”, “hội diễn văn nghệ”…, ca ngợi công đức của ác đảng. Điều cần phải nhấn mạnh là: Trung Cộng lại thường đội thêm cho ngày lễ của nó hai chữ “quốc tế”, dường như đúng là ngày lễ long trọng của toàn thế giới. Khi ra tới nước ngoài mọi người mới phát hiện ra rằng ngoài vài người anh em nhỏ theo Chủ nghĩa Cộng sản ra, người nước ngoài người ta đều là nghỉ lễ ngày tết truyền thống dân tộc, căn bản không có ngày lễ “8 tháng 3”, “1 tháng 5”, “1 tháng 6”. Đảng Cộng sản cố ý tuyên truyền rằng “công nhân, phụ nữ và thiếu nhi” mới là giai cấp và quần thể bị kỳ thị, cổ vũ họ đứng lên đấu tranh. Kỳ thực, điều chính xác là “công nhân, phụ nữ và thiếu nhi” của những nước có Đảng Cộng sản mới là người thực sự bị bức hại. Đảng Cộng sản lợi dụng mấy ngày lễ tết này chỉ là để phù hợp với yêu cầu đấu tranh giai cấp của nó.

Hoạt động thường thấy trong “ngày lễ phụ nữ mùng 8 tháng 3” là tuyển chọn gương điển hình hoặc là “tay cờ đỏ 8 tháng 3”, tổ chức hội thể thao nữ giới làm chủ, diễn xuất văn nghệ v.v. Những năm gần đây việc chúc mừng ngày lễ 8 tháng 3 được yêu cầu phải sáng tạo, nhưng cho dù sau bao nhiêu năm, có thể khái quát chủ đề là: mượn ngày lễ tết để làm sâu đậm thêm một bước nữa Văn hóa đảng “nửa vùng trời nữ giới”, “nam nữ bình đẳng”, thể hiện “sự quan tâm” của đảng với nữ giới, làm nổi bật việc đảng để phụ nữ “vùng lên” đạt được địa vị “bình đẳng”, đồng thời để những tấm gương nữ thể hiện lòng trung thành với đảng, tẩy não những người khác.

“Tết lao động 1 tháng 5” bắt nguồn vào ngày 1 tháng 5 năm 1886, từ việc tổ chức cuộc bãi công và diễu hành biểu tình quy mô lớn với khoảng 350.000 người tham gia, với trung tâm cuộc biểu tình là ở Chicago của Mỹ, những người biểu tình yêu cầu cải thiện điều kiện lao động, thực thi chế độ làm việc 8 tiếng. Ngày 1 tháng 5 trở ngày lễ của đảng, nó tổ chức hoạt động chúc mừng nhồi nhét “tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội”, ngoài ra còn một phương diện đặc sắc nữa chính là bình xét “lao động gương mẫu”, từ dưới lên trên, vinh danh những người làm việc xuất sắc, có thành tựu, hoặc những đại biểu nổi bật của các ngành các nghề, thậm chí trực tiếp thu hút gia nhập đảng, khiến mọi người cảm thấy mình được thừa nhận, được khẳng định, niềm vui ngập tràn không quên rằng tất cả đều là đảng ban cho. Thông qua việc đưa những người ưu tú này vào mặt trận thống nhất, mà tiến hành khống chế thêm một bước nữa với các ngành các nghề, đồng thời mở rộng mặt tiền của mình.

“Ngày tết thanh niên 4 tháng 5” bắt nguồn từ hoạt động “4 tháng 5” năm 1919, vốn là một cuộc vận động yêu nước duy hộ chủ quyền, qua tuyên truyền của Đảng Cộng sản (Trung Quốc) lại thành tiêu chí “Giai cấp vô sản Trung Quốc đã giác ngộ, lần đầu tiên trở thành lực lượng chính trị độc lập, bước lên vũ đài chính trị”.

Đa số những quốc gia chúc mừng “ngày tết thiếu nhi 1 tháng 6” đều là nước “chủ nghĩa xã hội” hay “từng là chủ nghĩa xã hội”. Nguồn gốc của “Tết thiếu nhi” cũng không rõ ràng, Trung Cộng cũng quy kết cho ngày lễ này là “chống đế quốc”, hoạt động chúc mừng “Tết thiếu nhi” là do Liên hiệp Phụ nữ quản, dù là đi công viên, hay diễn văn nghệ, trẻ nhỏ ăn tết nhưng không được làm những việc mà chúng muốn làm, trẻ nhỏ phải nói “lời trẻ nhỏ” mà người lớn muốn nghe, mọi hoạt động đều do thầy cô giáo một tay tổ chức, ý nghĩa của nó không chỉ đơn thuần là chúc mừng và giải trí, chủ đề của những hoạt động như “ngũ giảng tứ mỹ” (5 điều được coi trọng, bốn đức tính), “làm người kế tục”, “mừng 1 tháng 6 biết vinh nhục” đều phải phù hợp với chính sách và yêu cầu của một giai đoạn nào đó. Những điều mà trẻ em từ tai, mắt tiếp thu được, bị tiêm nhiễm đều là một bộ những thứ dùng danh nghĩa văn nghệ để đạt được mục đích chính trị, còn có “ngày chủ đề về đội”, “thi ca hát”, những đứa trẻ ngây thơ từ nhỏ đã bị cưỡng ép phải thích ứng với cách làm việc giả tạo hư ngụy này.

Không chỉ có vậy trước và sau ngày 1 tháng 6 là ngày gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong, tuyên thệ dưới lá “cờ đội”: Quyết tâm tiếp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, “phấn đấu trọn đời vì sự nghiệp của Chủ nghĩa Cộng sản”, từ nhỏ đã lôi kéo trẻ nhỏ vào chính trị tà ác của Trung Cộng.

“1 tháng 7” lại là “ngày lễ” không rõ ràng, bởi vì Trung Cộng không phải thành lập vào ngày 1 tháng 7, nhưng lại được Trung Cộng quy định là ngày “sinh nhật đảng”. Trên thực tế, Trung Cộng là do Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 8 năm 1920 cử Voitinsky đại diện tới Trung Quốc thành lập, tên của đảng cũng là do Đảng Cộng sản Liên Xô Viết đặt, lúc đó lấy tên là “Chi bộ Trung Quốc của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế thứ 3) – còn gọi là Đảng Cộng sản Trung Quốc”, sứ mệnh của nó là cách mạng giai cấp vô sản “lật đổ Trung Hoa dân quốc và tiêu diệt Quốc dân đảng Trung Quốc” do Đảng Cộng sản Liên Xô ủy thác. Cuộc họp được tổ chức vào tháng 7 năm 1921 chỉ là đại hội đại biểu của Trung Cộng. Theo suy luận thì Đảng Cộng sản có trước, sau đó mới có đại hội đại biểu.

Đại hội Trung Cộng lần thứ nhất là do người Liên Xô bỏ tiền ra tổ chức. Sau này Trần Công Bác đi theo Uông Tinh Vệ [2] mà trở thành đại Hán gian thứ hai, là một trong những sáng lập viên của Trung Cộng, là đại biểu trong đại hội lần thứ nhất. Y dẫn vợ mới cưới nhân dịp dự họp tới Thượng Hải “du lịch tiền chùa”, ở khách sạn Đại Đông. Ngày 31 tháng 7, bên cạnh chỗ ở của Trần Công Bác đã xảy ra một vụ án giết người vì tình. Sau đó, cảnh sát thuộc khu vực tô giới nước Pháp tới làm án, Trung Cộng mới rời sang quận Nam Hồ, Thành phố Gia Hưng để mở cuộc họp. Khi đó, việc thành lập chính đảng là hợp pháp và cảnh sát đến không phải để bắt người của Trung Cộng, nhưng Trung Cộng lại hiểm ác tuyên truyền việc cảnh sát đến là “đấu tranh đối đầu”. Năm 1981, Phòng Nghiên cứu Lịch sử đảng Trung Cộng căn cứ theo “Báo cáo” vào đầu tháng 8 năm 1921 về vụ án giết người vì tình, suy ra thời gian thành lập Trung Cộng là ngày 23 tháng 7, đồng thời viết vào “Niên biểu đại sự lịch sử đảng Trung Cộng”.

Ảnh: Epoch Times

“1 tháng 7” tuy là “ngày lễ” nhưng không phải “ngày nghỉ”, mà là thời cơ quan trọng cho Đảng ủy các cấp và Ban tuyên giáo Trung ương của Trung Cộng dốc toàn lực để tuyên truyền ra ngoài xã hội. Đối ngoại là như vậy, đối nội cũng không khác. Đảng viên phải tham gia các hoạt động và tổ chức, lãnh đạo các cấp của đảng cần phát biểu, cũng là cơ hội mỗi năm nạp lại điện cho đảng viên, tăng cường đảng tính. Ngoài ra, đảng viên mới gia nhập đảng cũng được chọn nhiều vào đêm trước ngày 1 tháng 7. Toàn xã hội thừa nhận sự tồn tại ngày 1 tháng 7 là ngày lễ, cũng chính là thừa nhận sự chiếm cứ của Trung Cộng với Trung Quốc. Toàn bộ ngày lễ này mỗi năm một lần lại khởi tác dụng tiếp máu cho Trung Cộng, tăng cường sức sống cho Trung Cộng.

“Ngày lễ thành lập quân đội 1 tháng 8” là chúc mừng cho cuộc bạo động mà Trung Cộng gọi là “cuộc khởi nghĩa Nam Xương”. Bối cảnh lúc đó là quân cách mạng Quốc Dân dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch phát động cuộc chiến tranh Bắc Phạt vào năm 1926, chinh phạt chính phủ Bắc Dương. Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, quân Bắc Phạt tiến triển khá thuận lợi, quốc gia sắp được thống nhất thì do Stalin đích thân hạ lệnh, Trung Cộng lại đơn phương không ngừng phá hoại cuộc Bắc Phạt, thậm chí còn dùng biện pháp bạo động vũ trang đánh đuổi Quốc dân Đảng về Quảng Đông, nhằm ngăn Quốc dân Đảng đánh đổ quân phiệt Bắc Dương. Tưởng Giới Thạch buộc phải thanh trừ Đảng Cộng sản vào ngày 12 tháng 4 năm 1927, còn Trung Cộng phát động cuộc bạo động Nam Xương vào ngày 1 tháng 8 cùng năm, làm ra khu vực cát cứ vũ trang. Do bạo động Nam Xương là bắt đầu cho việc Trung Cộng nắm quân đội của mình, cho nên được gọi là “Lễ thành lập quân đội”.

Ảnh: Epoch Times

“1 tháng 10” là kỷ niệm ngày Trung Cộng thành lập chính quyền “Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa” vào ngày 01 tháng 10 năm 1949, nhưng lại yêu cầu nhân dân toàn quốc cùng nhau chúc mừng cái gọi là “ngày Quốc khánh”. Hoạt động “Quốc khánh” được giao phó ý nghĩa chính trị trọng đại, là chủ thể của các lễ chúc mừng, tổ chức yến tiệc quốc gia, duyệt binh, đốt pháo bông, diễu hành. Một mặt Trung Cộng khoe khoang vũ trang, làm nhân dân khiếp sợ, mặt khác dùng pháo bông, tiệc quốc gia, vườn cây cảnh để tô vẽ thái bình, dùng ảnh chân dung lớn của Tôn Trung Sơn đặt tại quảng trường Thiên An Môn để chiêu dụ Đài Loan vào mặt trận thống nhất, dùng diễu hành nhằm ngụy tạo giả tướng “vạn dân ủng hộ”. Lúc này, tivi thường phải phát hình ảnh “đại lễ khai quốc”, hoài niệm công lao “giải phóng” vất vả của Trung Cộng, dùng hành vi của con người để định nghĩa Trung Quốc là nước do Trung Cộng thành lập, tô đậm hơn khái niệm “không có đảng cộng sản thì không có Trung Quốc mới” làm nhầm lẫn thêm khái niệm đảng và quốc gia, tạo ảo giác dường như Trung Quốc là do Trung Cộng lập nên.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người Hoa coi ngày 1 tháng 10 là “ngày quốc tang”. Từ khi Trung Cộng thành lập đảng tới nay, nó đã mang lại cho người Trung Quốc những khổ nạn bất tận, đặc biệt là sau khi cướp được chính quyền trên cả nước, Trung Cộng đã khiến khoảng 80 triệu người Trung Quốc tử vong một cách bất thường, bán đứng mấy triệu km2 lãnh thổ, tận diệt tinh hoa văn hóa Trung Hoa, phá hoại phương diện đạo đức và sinh thái một cách không thể vãn hồi. Trung Cộng ép buộc nhân dân chúc mừng sự thành lập và phát triển lớn mạnh của nó, cũng đồng nghĩa với việc chúc mừng khổ nạn ngày càng sâu hơn của mình.

Ảnh: Epoch Times

  1. Người trẻ kết hôn, việc mới làm theo cách mới, không bái trời đất, không bái Thần, mà hát bài ca cảm ơn đảng

Trung Cộng biến ngày “1 tháng 5” và “1 tháng 10” thành kỳ nghỉ 7 ngày, tuy số ngày nhiều nhưng không thể tự ý linh động điều chỉnh. Người Trung Quốc thường lên kế hoạch đi du lịch, kết hôn hoặc những hoạt động quan trọng khác vào những ngày này, những hoạt động này thường lưu lại hồi ức tốt đẹp cho con người, thậm chí nhiều năm sau có lẽ sẽ vẫn chỉ vào tấm hình kết hôn của mình hoặc bức ảnh kỷ niệm du lịch mà nói: “Đây là bức ảnh chụp vào ngày lễ “Quốc khánh” năm nào đó của tôi”. Từ đó ngầm liên hệ ngày lễ của Trung Cộng với sự kiện quan trọng trong cuộc sống bình thường của con người một cách không tự biết.

1) Hôn lễ trong văn hóa truyền thống

Văn hóa truyền thống coi trọng 4 lễ tiết lớn: quán lễ, hôn lễ, táng lễ và tế lễ.

“Quán lễ” (lễ trao mũ) là chỉ lễ thành người, theo lễ tiết Nho gia, con trai 20 tuổi thường làm lễ trao mũ để biểu thị đã thành niên, có nghĩa là đã thực sự bắt đầu gánh vác trách nhiệm xã hội. “Tang lễ” là nghi lễ an táng sau khi con người qua đời, thường thỉnh tăng ni đạo sĩ niệm kinh cho vong hồn. “Tế lễ” tức là lễ tiết cúng tổ tiên, tế Thần. Sau khi Trung Cộng cướp chính quyền, ba nghi lễ trên đều bị vứt bỏ, điều này có liên quan tới nhân tố kính Trời kính Thần, “thận trung truy viễn” (thận trọng chu đáo trong việc hậu sự và tưởng niệm tổ tiên).

Còn “Hôn lễ” dù sao cũng là một trong bốn đại sự của đời người, “tử sinh khế khoát, dữ tử thành thuyết. Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão.” (Dù sinh tử hay ly hợp, cũng nguyện kết duyên cùng người, nắm tay người, cùng người đi tới cuối đời). Dù là cổ nhân Trung Quốc hay người phương Tây, thì hôn nhân là lời hẹn ước trọn đời, phải bái lạy trời đất Thần linh, làm việc này một cách long trọng.

Trong “Lễ ký” có dành riêng một chương nói về “ý nghĩa hôn nhân” gọi là “Hôn nghĩa” (昏义), (“Hôn 昏” trong hoàng hôn, là chữ đồng âm, giống với “hôn 婚” trong hôn lễ”, bởi vì hôn lễ của cổ nhân thường tổ chức vào lúc hoàng hôn), quy định 6 lễ là “Nạp Thái, Vấn danh, Nạp Cát, Nạp chinh, Thỉnh kỳ, Thân nghênh”. Trong đó “Nạp Thái” chỉ ngỏ lời kết thân, “Vấn danh” là chỉ hỏi họ tên của nhà gái để tiện bốc quẻ hung cát, “Nạp Cát” chỉ việc báo cho nhà gái biết tin lành, “Nạp Chinh” chỉ nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái; “Thỉnh kỳ” lại chỉ sau khi nhà trai bốc quẻ chọn ngày hôn lễ, thỉnh cầu nhà gái đồng ý, “Thân nghênh” lại chỉ nhà trai tới đón nhà gái.

Nho gia cho rằng, hôn lễ là sự hòa hợp giữa hai họ, trên thì có chức trách tiến hành tế tự nơi tông miếu, dưới thì dưỡng dục đời sau, đó là buổi lễ hợp lẽ thể hiện sự cung kính, cẩn thận, tôn trọng hôn nhân. Ngày đón dâu, nam nữ phải bái thiên địa trước, xin Trời đất làm chứng cho hôn nhân của mình, bái cao đường, cảm tạ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, và xin cha mẹ chứng kiến hôn lễ, phu thê giao bái, thể hiện sự kính trọng như khách giữa hai người.

Ở Tây phương các giáo đồ kết hôn thì phải đến giáo đường, xin Thiên chúa chứng giám, những người không tin vào tín ngưỡng cũng phải đọc lời thề “Từ nay trở đi, dù thuận lợi hay khó khăn, dù giàu hay nghèo, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, anh (em) cũng sẽ yêu thương bảo vệ em (anh), trân quý em (anh) cho đến thiên trường địa cửu. Anh (em) hứa trọn đời chung thủy với em (anh).”

2) Trung Cộng làm lệch lạc hôn nhân

Hôn nhân trong văn hóa chính thống một mặt biểu đạt sự tôn kính với Trời đất, Thần linh, mặt khác lại biểu đạt luân thường đạo lý thông qua tiệc vui biểu lộ bên ngoài mà không mất đi lễ tiết trang trọng, có sự kính trọng với tổ tiên, hiếu thuận với cha mẹ, ân và nghĩa giữa vợ chồng với nhau.

Chi tiết của hôn lễ thường trở thành hồi ức hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi người, do đó Đảng Cộng sản cũng nhất định muốn dùng hôn lễ là phương thức quan trọng để củng cố và duy trì sự thống trị của nó. Dưới sự xen vào của Trung Cộng, hôn sự được khoác lên một màu sắc chính trị của đảng vô cùng mạnh mẽ. Ví như kết hôn thì phải được “tổ chức của đảng” phê chuẩn, việc yêu nhau, thành hôn giữa những người không cùng địa vị “giai cấp” sẽ bị cảnh cáo hoặc không được phê chuẩn. Còn cán bộ của đảng thường do “tổ chức” giới thiệu cho một người, cho nên những gia đình như vậy thường vô cùng cảm kích đảng, trở thành “lô-cốt nhỏ” của đảng, nghi lễ hôn nhân được cổ động là “việc mới làm cách mới”, không còn bái Thiên địa Thần linh, mà đổi thành hát những ca khúc ca ngợi đảng, dùng đảng thay thế vị trí truyền thống của Thần.

Trong cuốn “Bách niên phong tục biến thiên” đã nhắc đến hình thức hôn lễ sau khi Trung Cộng xây dựng chính quyền, ngoài việc bỏ đi trang phục áo dài truyền thống của nam và mũ phượng khăn quàng vai của nữ, đổi thành mặc trang phục của Lenin, người chứng hôn cũng đổi từ thiên, địa, phụ mẫu thành “bí thư chi bộ đảng”. Thời gian kết hôn cũng chọn vào những ngày lễ mà đảng quy định như “1 tháng 5”, “1 tháng 10”, “bái thiên địa” phụ mẫu trở thành “cúi đầu trước tượng chủ tịch Mao”.

Đến thời Cách mạng Văn hóa, trước khi kết hôn phải đọc một đoạn Mao ngữ lục: “Chúng ta đều tới từ khắp cả nước, đến với nhau vì một mục tiêu cách mạng chung. Tất cả những người trong hàng ngũ cách mạng đều phải quan tâm lẫn nhau, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau.” Nâng việc hôn nhân lên thành “cách mạng” cao độ. Hãy chú ý một chi tiết, chính là “tất cả những người trong hàng ngũ cách mạng” mới phải “quan tâm lẫn nhau, yêu thương nhau, giúp đỡ nhau” tính cách mạng cao hơn cả nhân tính. Đồng thời còn hát “Trời bao la đất bao la không bao la bằng ân tình của đảng”, “Cha mẹ yêu thương cũng đều không sâu đậm bằng ân tình của chủ tịch Mao”, “Tư tưởng Mao Trạch Đông là báu vật gia truyền, nếu ai phản đối nó, người đó chính là kẻ thù của chúng ta”. Trong buổi lễ hôn nhân còn phải buộc chặt sợi dây “đấu tranh giai cấp”, thể hiện sự trung thành với Mao.

Bài hát “Trời bao la đất bao la” này bắt đầu được truyền ra từ sau trận động đất ở Hình Đài năm 1966. Trong hôn lễ việc hát những ca khúc có dạng “thơ ca ngợi” này, chính là thủ đoạn của Đảng Cộng sản nhằm thần thánh hóa bản thân nó, và khiến con người khi nhớ lại hồi ức ngọt ngào về ngày cưới lại tự động nhớ lại những lời hát ca ngợi Trung Cộng.

Kể cả vào thời gian rất lâu sau Cách mạng Văn hóa, hôn sự của rất nhiều người có đơn vị công tác, đặc biệt là những người có chút chức vị vẫn không thể tránh khỏi sự can thiệp của tổ chức đảng, lãnh đạo đảng, cô dâu chú rể vẫn phải thể hiện lòng biết ơn với sự quan tâm của đảng. Dù cho Trung Cộng hiện nay không còn nhúng tay trực tiếp vào hình thức hôn nhân cụ thể nữa, nhưng sau mấy chục năm ngăn cách, lễ nghi hôn nhân truyền thống đã bị vứt bỏ, mà điều theo đó bị vứt bỏ là cảm giác thần thánh và tinh thần trách nhiệm với hôn nhân. Rất nhiều hôn lễ ngày nay, ngoài việc làm náo loạn đến ầm ĩ ra đã không còn tìm thấy sự thần thánh và quy phạm lễ nghi truyền thống trong đó. Rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình, tình cảm vợ chồng rạn nứt, tình một đêm thịnh hành đều có liên quan tới việc Trung Cộng phá hoại quan niệm hôn nhân và hình thức hôn lễ chính thống.


Bản tiếng Hán:

http://www.epochtimes.com/gb/6/11/4/n1509358.htm

Chú thích:

[1] Uông Tinh Vệ: Một chính trị gia thời Trung Hoa Dân Quốc. Ông ban đầu được biết đến là một thành viên của phe tả trong Quốc Dân đảng, nhưng về sau đã ngày càng trở nên chống cộng sau khi những nỗ lực thất bại của ông nhằm cộng tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hoạt động chính trị của ông đột ngột chuyển sang hữu sau đó, khi ông kết giao với người Nhật. Vì tham gia chính phủ thân Nhật, Uông thường bị gọi là Hán gian và tên của ông tại Trung Quốc trở thành một thuật ngữ dùng để ám chỉ kẻ phản bội.

[2] Người dịch: Tháng Sóc vọng là chu kỳ mà mặt Trăng thể hiện ra hình dạng y hệt nhau khi nhìn từ Trái Đất. Một tháng Sóc vọng có độ dài là 29 ngày 12 giờ 44 phút 2,8 giây. Một tháng âm lịch lấy độ dài 29 hoặc 30 ngày là căn cứ theo điều này.

Ngày đăng: 15-06-2015